Huyện Yên Dũng
Mô tả
1. Địa lý
Huyện Yên Dũng nằm ở phía nam của tỉnh Bắc Giang, có núi Nham Biền chạy theo hướng đông - tây, nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về phía nam, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 59 km. Huyện có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp huyện Lục Nam và thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
- Phía tây giáp thị xã Việt Yên
- Phía nam giáp thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cầu
- Phía bắc giáp thành phố Bắc Giang và huyện Lạng Giang.
Huyện Yên Dũng có diện tích 185,9 km², dân số năm 2010 là 135.075 người. Huyện ly là thị trấn Nham Biền cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về hướng đông nam. Sông Thương uốn lượn chảy qua địa bàn huyện cung cấp phù sa cho các xã Xuân Phú, Tân Liễu, Tiến Dũng, Trí Yên, Lão Hộ...
Tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với ba con sông lớn chạy xuyên qua tỉnh là sông Lục Nam, sông Thương, và sông Cầu. Cả ba con sông này đều chảy qua huyện Yên Dũng và hội tụ tại Kiếp Bạc, Hải Dương.
2. Hành chính
Huyện Yên Dũng có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Nham Biền (huyện lỵ), Tân An và 16 xã: Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt, Đức Giang, Hương Gián, Lãng Sơn, Lão Hộ, Nội Hoàng, Quỳnh Sơn, Tân Liễu, Tiến Dũng, Tiền Phong, Trí Yên, Tư Mại, Xuân Phú, Yên Lư.
3. Văn hóa
Đây là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Yên Dũng là một vùng đất thiêng với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng hốt cấu tạo nên dãy Nham Biền; có Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) gắn liền với thiền phái Trúc lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Yên Dũng cũng nơi sinh ra hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích (xã Song Khê).
4. Làng nghề
Các làng nghề xưa, nghề phụ trong huyện:
- Làng nghề mộc Đông Thượng (Lãng Sơn)
- Nghề làm gốm làng Ngòi (Tư Mại).
- Làng nghề làm tương (Trí Yên)
5. Các địa điểm nổi tiếng
- Tháp đồng hồ Bắc Giang
- Chùa Vĩnh Nghiêm
- Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
- Cây Gạo miếu Bà Cô
- Trạm bơm Tư Mại
6. Địa điểm lưu trú