Huyện Cầu Ngang
Mô tả
Địa lý
Huyện Cầu Ngang nằm ở phía đông nam của tỉnh Trà Vinh, nằm bên bờ sông Cổ Chiên và cửa Cung Hầu, có vị trí địa lý:
Phía đông và phía bắc giáp huyện Châu Thành
Phía tây giáp huyện Trà Cú
Phía nam giáp thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải.
Huyện Cầu Ngang có diện tích 325 km², dân số năm 2019 là 121.254 người[2], mật độ dân số đạt 373 người/km².
Hành chính
Huyện Cầu Ngang có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Cầu Ngang (huyện lỵ), Mỹ Long và 13 xã: Hiệp Hòa, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Kim Hòa, Long Sơn, Mỹ Hòa, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn, Thuận Hòa, Trường Thọ, Vinh Kim.
Lịch sử
Quận Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh từ ngày 1 tháng 1 năm 1928, gồm có 3 tổng: Bình Trị với 5 làng, Vinh Lợi với 6 làng, Vinh Trị với 6 làng; quận lỵ ở làng Thuận Mỹ.
Sau năm 1956, quận thuộc tỉnh Vĩnh Bình, gồm có 2 tổng Bình Trị và Vinh Lợi, tất cả có 8 xã, quận lỵ ở xã Mỹ Hòa.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cầu Ngang là huyện của tỉnh Cửu Long, gồm 12 xã: Hiệp Hòa, Hiệp Mỹ, Long Hữu, Long Sơn, Long Toàn, Long Vĩnh, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Ngũ Lạc, Nhị Trường, Trường Long Hòa, Vinh Kim.
Từ năm 1976 đến nay
Tháng 2 năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam bằng sự sáp nhập tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Vĩnh Bình thành tỉnh Cửu Long.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 59-CP[3]. Theo đó, giải thể huyện Châu Thành Đông và sáp nhập các xã Hòa Thuận, Lương Hòa, Hưng Mỹ, Phước Hào của huyện Châu Thành Đông vào huyện Cầu Ngang.
Ngày 15 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng Quyết định 69-HĐBT[4]. Theo đó:
Chia xã Trường Long Hòa thành hai xã là xã Trường Long Hòa và xã Dân Thành
Chia xã Ngũ Lạc thành hai xã là xã Ngũ Lạc và xã Thạnh Hòa Sơn
Chia xã Long Toàn thành hai xã là xã Long Toàn và xã Long Khánh
Chia xã Mỹ Long thành hai xã là xã Mỹ Long và xã Hiệp Thạnh
Tách ấp Cả Đôi của xã Long Vĩnh để sáp nhập vào xã Long Khánh.
Huyện Cầu Ngang có 16 xã: Dân Thành, Hiệp Hòa, Hiệp Mỹ, Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Khánh, Long Sơn, Long Toàn, Long Vĩnh, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Ngũ Lạc, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn, Trường Long Hòa, Vinh Kim.
Ngày 29 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 98-HĐBT[5]. Theo đó:
Chuyển 4 xã: Long Hòa, Hưng Mỹ, Phước Hảo, Hòa Thuận của huyện Cầu Ngang về huyện Châu Thành vừa tái lập
Chia huyện Cầu Ngang thành hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải.
Huyện Cầu Ngang gồm có 8 xã Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Nhị Trường, Hiệp Hòa, Vinh Kim, Mỹ Hòa, Hiệp Mỹ, Mỹ Long. Trụ sở huyện đóng tại xã Mỹ Hòa.
Ngày 27 tháng 3 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 86-HĐBT[6]. Theo đó:
Chia xã Mỹ Long thành hai xã là xã Mỹ Long Bắc và xã Mỹ Long Nam
Chia xã Hiệp Hòa thành hai xã là xã Hiệp Hòa và xã Kim Hòa.
Ngày 23 tháng 11 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định[7]. Theo đó:
Thành lập thị trấn Cầu Ngang trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Mỹ Hòa
Sáp nhập hai xã Mỹ Long Bắc và Mỹ Long Nam thành xã Mỹ Long.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Cửu Long được tách thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Huyện Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh.[8]
Ngày 07 tháng 10 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 62-CP[9] về việc thành lập thị trấn Mỹ Long trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Mỹ Long.
Ngày 03 tháng 10 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định 57-CP[10]. Theo đó:
Thành lập xã Thuận Hòa trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Mỹ Hòa
Thành lập xã Trường Thọ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Nhị Trường.
Ngày 2 tháng 3 năm 1998, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 13/1998/NĐ-CP[11]. Theo đó, chia xã Mỹ Long thành hai xã Mỹ Long Bắc và Mỹ Long Nam.
Ngày 10 tháng 12 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 157/2003/NĐ-CP[12]. Theo đó, chia xã Hiệp Mỹ thành hai xã Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây.
Từ đó, huyện Cầu Ngang có 2 thị trấn và 13 xã như hiện nay.
Văn hóa - du lịch
Văn hóa
Tôn giáo
Ở Cầu Ngang, hiện có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin Lành được phân bố như sau:
Phật giáo, phân bố ở hầu khắp các xã, thị trấn trong huyện
Công giáo, tập trung chủ yếu ở xã Vinh Kim, Mai Hương; khóm Thống Nhất, Mỹ Cẩm A thuộc thị trấn Cầu Ngang
Cao Đài, chủ yếu ở các xã Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Nhị Trường, Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Long Sơn, thị trấn Mỹ Long, thị trấn Cầu Ngang
Tin Lành, chỉ có một nhóm nhỏ tín đồ ở ấp Rạch, xã Thuận Hòa.
Du lịch
Tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái Cồn Nghêu (xã Mỹ Long Nam), Cồn Bần (xã Mỹ Long Bắc), Hàng Dương (thị trấn Mỹ Long) và tôn tạo khu di tích lịch sử Chùa Dơi (xã Mỹ Long Bắc).
Huyện có 23 chùa Khmer, trong đó có 2 chùa đặc trưng là chùa Cossom, ở xã Hoà Thuận và Chùa Ô Răng ở xã Long Sơn; đồng thời có chùa Dơi – Chùa Liên Giác (Chùa phật) ở xã Mỹ Long Bắc, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Một số địa điểm du lịch
Chùa Giác Linh ở ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc
Chùa Phước Mỹ ở xã Hiệp Mỹ Tây
Miếu Bà Chúa Xứ ở thị trấn Mỹ Long
HTX sản xuất Tôm khô Vinh Kim ở ấp Chà Và, xã Vinh Kim
Làng nghề Cốm Dẹp ở ấp Ba So, xã Nhị Trường
Lễ hội SanDolta- CholchămThmây ở các xã Thuận Hoà, Nhị Trường, Thạnh Hoà Sơn, Trường Thọ, Hiệp Hoà
Hàng Dương ở xã Mỹ Long Bắc
Cồn Bần ở xã Mỹ Long Bắc
Lễ hội Nghing Ông tại Miếu Bà Chúa Xứ ở thị trấn Mỹ Long
Bào Dài ở xã Nhị Trường
Cồn Nghêu ở xã Mỹ Long Nam.