Huyện Tam Bình
Mô tả
Địa lý
Huyện Tam Bình nằm ở trung tâm của tỉnh Vĩnh Long, nằm cách thành phố Vĩnh Long khoảng 32 km, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 162 km về phía nam và cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 28 km về phía bắc, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp huyện Mang Thít và huyện Vũng Liêm
Phía tây giáp thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân
Phía nam giáp huyện Trà Ôn
Phía bắc giáp huyện Long Hồ và huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Lịch sử
Ngày 29 tháng 6 năm 1916, quận Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long được thành lập do đổi tên từ quận Chợ Mới (trước đó là quận Ba Kè), gồm 3 tổng: Bình Chánh với 5 làng, Bình Phú với 8 làng, Bình Thới với 5 làng. Ngày 18 tháng 12 năm 1916, quận Tam Bình nhận thêm phần đất của quận Cái Nhum do bị giải thể.
Ngày 11 tháng 8 năm 1942, giải thể tổng Bình Chánh, nhập làng Chánh An vào làng An Phước của tổng Bình Quới, quận Vũng Liêm, các làng Chánh Lợi, Chánh Hiệp, Chánh Hòa và Tân Long Hội nhập vào tổng Bình Thới.
Ngày 20 tháng 3 năm 1956, quận Tam Bình thuộc tỉnh Tam Cần. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, quận thuộc tỉnh Vĩnh Long, bao gồm tổng Bình Thuận với 4 xã, tổng Bình Phú với 2 xã, tổng Bình Định với 3 xã.
Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên bị giải thể.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Tam Bình là huyện của tỉnh Cửu Long.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện nhận thêm phần đất của huyện Bình Minh bị giải thể.[3]
Ngày 29 tháng 9 năm 1981, tái lập huyện Bình Minh, huyện Tam Bình còn lại thị trấn Tam Bình và 9 xã: Bình Ninh, Hậu Lộc, Hòa Hiệp, Loan Mỹ, Mỹ Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Ngãi Tứ, Song Phú, Tường Lộc.[4]
Ngày 27 tháng 3 năm 1985, lập xã Long Phú trên cơ sở tách đất xã Song Phú.[5]
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Cửu Long tách thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Huyện Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long.[6]
Ngày 9 tháng 8 năm 1994, lập mới các xã: Phú Thịnh, Tân Phú, Tân Lộc, Hoà Lộc, Phú Lộc và Hòa Thạnh.[7]
Huyện Tam Bình có 1 thị trấn và 16 xã.
Ngày 28 tháng 9 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1203/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2024).[8] Theo đó, sáp nhập xã Tường Lộc vào thị trấn Tam Bình.
Huyện Tam Bình có 1 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
Hành chính
Huyện Tam Bình có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tam Bình và 15 xã: Bình Ninh, Hậu Lộc, Hòa Hiệp, Hòa Lộc, Hòa Thạnh, Loan Mỹ, Long Phú, Mỹ Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Ngãi Tứ, Phú Lộc, Phú Thịnh, Song Phú, Tân Lộc, Tân Phú.
Văn hóa - du lịch
Tôn giáo
Hiện trên địa bàn huyện có 5 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và Hòa hảo. Về tín ngưỡng có khoảng 36.000 tín đồ chiếm 23,28% dân số theo 5 tôn giáo chính.
Tín ngưỡng
Cơ sở thờ tự và tín ngưỡng dân gian có khoảng 69 cơ sở gồm:
Chùa Phật 34 có 2 chùa phật giáo Nam Tông khmer
7 Nhà thờ Công giáo
2 Tin Lành
1 Cao Đài Tây Ninh
4 Cao Đài Tiên Thiên
1 Chi hội Phật giáo Hòa Hảo
5 Thánh Thất
5 Đình Làng
1 Am Miếu.
Sự kiện tiêu biểu
Khởi nghĩa Nam Kỳ ở xã Hậu Lộc
Chiến Thắng Thủ Cù ở xã Song Phú
Chiến thắng Cái Sơn ở Long Phú
Ngô Tùng Châu bắn rơi máy bay thực dân Pháp đầu tiên ở Vĩnh Long, bằng súng cá nhân là FM đầu bạc ở thị trấn Tam Bình
Trận đánh 6 ngày đêm của du kích xã Hòa Hiệp ở xã Hòa Hiệp.
Di tích lịch sử
Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện hiện có 5 di tích lịch sử:
1 di tích cấp quốc gia là chùa Phước Hậu: tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ
4 di tích cấp tỉnh gồm:
Chùa Kỳ Son: tọa lạc tại ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ
Chùa Đại Thọ: tọa lạc ở ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ
Miếu quan tiền hiền Phan Công An: toạ lạc tại ấp Mỹ Phú I, xã Tường Lộc
Khu lưu niệm Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi: tọa lạc ở khóm 3, thị trấn Tam Bình.
Đồng thời 3 công trình di tích tiêu biểu cho truyền thống và con người Tam Bình:
Khu di tích lịch sử Căn cứ Cách Mạng Cái Ngang: tọa lạc ấp 4, xã Phú Lộc
Khu lưu niệm giáo sư, viện sĩ, anh hùng lao động, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa: tọa lạc ấp Mỹ Phú I, xã Tường Lộc
Bia truyền thống Công an tỉnh Vĩnh Long: tọa lạc tại ấp Danh Tấm, xã Hậu lộc.